Văn học, nghệ thuật Cần Thơ: Đổi mới và phát triển

Thứ ba - 15/07/2025 04:35 8 0
Thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ nổi tiếng với cảnh quan sông nước hữu tình, miệt vườn trù phú mà còn là nơi sản sinh ra những giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu văn học, nghệ thuật (VHNT) Cần Thơ không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho VHNT thành phố tiếp bước, hòa mình cùng VHNT cả nước.
5 10 pct
Văn học, nghệ thuật được Ban Chủ nhiệm chọn là một trong những chủ đề hội thảo khoa học Quyển Văn hóa Cần Thơ

Đảng ta đã luôn khẳng định: "Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam". Thật vậy, VHNT vốn là lãnh địa của khám phá và sáng tạo, tâm hồn và cảm xúc, có sức mạnh cảm hóa, thu phục lòng người rất lớn. Sứ mệnh đặc biệt của VHNT với tất cả ý nghĩa chân chính và cao cả của nó là nhằm hướng con người đến với các giá trị tốt đẹp nhất. Đối với Cần Thơ, vùng đất giàu truyền thống văn hóa với bề dày lịch sử lâu đời, VHNT càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nó không chỉ là “hồn cốt” của vùng đất Tây Đô, lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú cho người dân, đồng thời quảng bá hình ảnh Cần Thơ đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Quá trình hình thành VHNT Cần Thơ

Mặc dù Cần Thơ được khám phá khá muộn. Tuy nhiên, Văn hóa Cần Thơ vừa mang những nét chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời cũng mang nét đẹp văn hóa của vùng đất Tây Đô. Đặc trưng văn hóa Tây Đô được thể hiện qua nhiều phương diện ẩm thực, lối sống, tín ngưỡng, văn nghệ... Hò Cần Thơ là một trong những làn điệu dân ca độc đáo với các loại là hò huê tình, hò cấy và hò mái dài, xuất phát từ những câu hò của khách thương hồ lúc rảnh rỗi cắm sào để tìm bạn hò và đợi con nước để rời sang bến khác.

Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Cần Thơ đã sáng tạo ra một kho tàng văn hóa, nghệ thuật dân gian phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc sông nước miệt vườn, phản ánh đời sống lao động, sinh hoạt, đấu tranh và tâm tư, tình cảm của người dân. Đây chính là nền tảng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của VHNT Cần Thơ sau này.

Giai đoạn trước năm 1975:

VHNT Cần Thơ phát triển trong bối cảnh xã hội đầy biến động, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa dân gian Nam Bộ và VHNT phương Tây du nhập vào Việt Nam. Các loại hình nghệ thuật truyền thống như đờn ca tài tử, cải lương, hát bội… phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, văn học viết cũng bắt đầu hình thành và phát triển với sự xuất hiện của một số tác giả, tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống và con người Nam Bộ.

Sinh hoạt văn hóa lúc giao thời nổi bật của Cần Thơ là sinh hoạt của Tao đàn Bà Đồ ở Bình Thủy Long Tuyền từ năm 1833 do Bà Nguyễn Thị Nguyệt sáng lập, các nhà thơ tên tuổi như: cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, Cử nhân Phan Văn Trị, Tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt cáo quan về hưu ở Hà Tiên, cụ Cử Thạnh, Phan Hiển Đạo... Ông Trần Đắt Nghĩa sau khi nghỉ làm nhà in, nhà báo An Hà, ông trở thành nhà doanh nghiệp, lập hãng xe đò, hãng rượu ngọt. Đến năm 1930 ông ra làm bầu gánh, nêu cao bảng hiệu “Trần Đắt” đại ban. Chính hai nghệ sĩ Trương Phụng Hảo (Phùng Há) và Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) đã bắt đầu nổi danh khi đứng trên sân khấu đại ban Trần Đắt.

Kế thừa nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc trước đó từ điệu múa, lời thơ, tiếng hát… âm vang khắp vùng quê, thành thị cổ vũ quân đội ta, nhân dân ta đánh bại thực dân Pháp, đưa nửa nước-miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nơi đây, nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Anh Đức, từ mái trường Colège Cần Thơ ra bưng biền tham gia kháng chiến; nhà văn Đinh Quang Nhã, nhà văn Trần Thanh Giao đã theo tiếng gọi của Đảng tập kết ra Bắc, nhà văn Trang Thế Hy đã từng đặt chân ở vùng trũng “Vị Thanh” đã để lại dấu ấn với truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng”…

Tiếp nối các văn nghệ sĩ đi trước, sau năm 1954, phong trào Việt Nam cách mạng không ngừng phát triển. Điệu múa “Tiền côn vũ”, bài hát 307, lời ca “Hùng thay Tầm Vu” vang dậy khắp nơi giục giã nhân dân ta đứng lên chống giặc ngoại xâm. Đoàn Văn công tỉnh đã ra đời trong thời kỳ đồng khởi, rất hùng hậu với đầy đủ các loại hình sân khấu, có cả vở diễn tuồng cải lương như “Người con gái đất đỏ”... Với khí thế đồng khởi, Hội Văn nghệ giải phóng tỉnh ra đời vào tháng 9/1966 do đồng chí Quốc Thanh làm chủ tịch và các ủy viên Ban chấp hành gồm các đồng chí: Nguyễn Trung Vinh (tức 6 Hà), Trần Văn, Nguyễn Khai Phong…

Hội Văn nghệ giải phóng Cần Thơ được lãnh đạo trực tiếp của Ban Tuyên Giáo (về sau là Ban Tuyên huấn và bây giờ là Ban Tuyên giáo), phong trào Văn nghệ tiếp tục được củng cố và phát triển mạnh mẽ. Báo Cần Thơ Giải phóng, tạp chí Văn nghệ của tỉnh và thị xã Cần Thơ (sau này là thành phố Cần Thơ) cùng với công tác xuất bản được tăng cường, các tác phẩm Văn  nghệ được đăng tải phục vụ công chúng có hiệu quả hơn, thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị, vũ trang bằng 3 mũi giáp công trong mùa xuân 1968, rạng danh Lộ Vòng Cung lịch sử. Nhà văn Lê Vĩnh Hòa, soạn giả Chí Sinh và rất nhiều văn nghệ sĩ khác đã hy sinh trên mảnh đất Cần Thơ.

Cùng thời gian này được sự quan tâm của Ban Tuyên huấn, Hội văn nghệ Giải phóng Khu Tây Nam Bộ và của tỉnh, các cuộc thi sáng tác được phát động, có nhiều tác phẩm đạt giải như truyện ngắn “Mối tình năm cũ” (của Nguyễn Mai), bài thơ “Dệt chiếu” (của Nguyễn Khai Phong, đạt giải I). Cơ quan Văn nghệ Trung ương cục Miền Nam cũng đã quan tâm mở các lớp, trại sáng tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, Cần Thơ đã cử các đồng chí Lâm Thao, Khai Phong (chuyên ngànhVăn học), Thế Hưng (chuyên ngànhÂm nhạc), Thanh Quang (chuyên ngànhMúa)… tham dự lớp trong mùa xuân 1968, trong cuộc tấn công và nổi dậy nơi Lộ Vòng Cung (vùng ven đô), nhà thơ Lâm Thao đã sáng tác bài thơ về đề tài này và đến nay còn để lại 2 câu thơ đã trở thành ca dao:

“Vòng Cung đi dễ khó về
Đạn chen đầu đạn bom kề hố bom”

Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cùng với miền Tây, miền Nam và cả nước, cùng với quân đội và toàn thể dân tộc đã góp phần xứng đáng vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Miền nam năm 1975, thống nhất đất nước.

Giai đoạn sau năm 1975:

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hóa, văn nghệ nước nhà một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển và từng bước hoàn thiện theo xu hướng hoà hợp dân tộc, chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là những tiền đề hết sức quan trọng tạo điều kiện cho văn hóa, văn nghệ Cần Thơ phát triển mạnh mẽ trong tính tổng thể, toàn vẹn, tiến bộ và cách mạng, bắt nhịp, cổ vũ, đồng hành với công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Khi hòa bình thống nhất, tỉnh Hậu Giang đón nhận nhiều cán bộ, văn nghệ sĩ là những người đã đi tập kết từ 1954 trở về quê nhà. Một số khác là anh em văn nghệ sĩ từ miền Bắc, miền Trung, yêu mến đất lành phương Nam cũng xin về đây sinh sống và sáng tác. Địa bàn Cần Thơ là vùng tiếp quản của các cơ quan quân, dân, chánh, đảng Khu Tây Nam Bộ. Tất cả cán bộ các ngành trong kháng chiến đều tập hợp về đây, trong đó có cán bộ Tuyên huấn, Văn nghệ, Văn công…, các văn nghệ sĩ của Đoàn Văn công Quân khu 9, Đoàn cải lương và đoàn ca múa kịch giải phóng.

Nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của quần chúng nhân dân cần được đáp ứng để vui mừng khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại sau những năm tháng chiến tranh nặng nề, căng thẳng. Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển khắp nơi theo cách “tự biên tự diễn”, “biết gì chơi nấy”. Thỉnh thoảng bà con còn nghe lại các băng nhạc xưa cũ, thanh thiếu niên ca hát lộn xộn các bài hát mới lẫn cũ. Tình hình đó đòi hỏi cần có một đội ngũ những người sáng tác, biểu diễn chuyên nghiệp có trình độ chính trị và nghiệp vụ vững vàng hoạt động trong một tổ chức nghề nghiệp. Vậy là Ban vận động được thành lập, nòng cốt là cán bộ Tiểu ban Văn nghệ Khu về tỉnh, cùng với cán bộ sáng tác Phòng Văn nghệ Ty văn hóa thông tin tỉnh Hậu Giang. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh chị có kinh nghiệm trong tổ chức, sinh hoạt Hội từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ.

Ngày 02/6/1976 Hội Văn nghệ tỉnh Hậu Giang được thành lập, là một tổ chức hoạt động VHNT được thành lập sớm nhất trong các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm đầu miền Nam mới giải phóng. Hội do đồng chí Nguyễn Trung Vinh làm chủ tịch, các phó chủ tịch là nhà thơ Nguyễn Bá và họa sĩ Tô Dự.

Trong thời gian 10 năm (từ năm 1976 đến năm 1986), qua hai lần Đại hội (nhiệm kỳ I và II), Hội Văn nghệ Hậu Giang mở nhiều Trại sáng tác cho cả Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là về văn học, có rất nhiều thầy ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến giúp sức. Qua đó, có rất nhiều nhà thơ, nhà văn đã trưởng thành như: Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Lê Tân… Cùng lúc đó, Tạp chí Văn nghệ Hậu Giang ra định kỳ hàng tháng tiến tới ra báo Văn nghệ Hậu Giang hàng tuần, phát hành khá rộng, có uy tín lớn đối với bạn đọc trong và ngoài tỉnh, được đông đảo văn nghệ sĩ đồng tình, ủng hộ. Lĩnh vực văn học và báo Văn nghệ Hậu Giang rất hưng thịnh và đã một thời có tiếng là hùng hậu về đội ngũ cũng như hiệu quả hoạt động VHNT ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tiêu biểu có nhà thơ Lê chí (Ủy viên Tiểu ban văn nghệ phụ trách văn học và tạp chí Sông Hậu thuộc Khu ủy Tây Nam Bộ (1970), Hội viên Hội nhà văn Việt Nam) với các tác phẩm: Cô gái đánh xe bò, Mùa xuân đến sớm, Những con đường lặng im,…; nhà thơ Nguyễn Bá (Hội nhà văn Việt Nam) với các sáng tác: Đất An viên, Hòn Khoai, Nhìn xa,…

Giữa năm 1986, Đại hội Hội VN lần thứ III được tiến hành, đồng chí Tăng Văn Lễ làm chủ tịch, tạp chí VN HG ra định kỳ 1 quí 1 số. Ban chấp hành mới được củng cố một bước và có nhiều cố gắng trong việc tập hợp lực lượng, quản lý điều hành công việc của Hội.

Ngày 18/5/1992 Hội đổi tên thành Hội Văn nghệ tỉnh Cần Thơ, do tỉnh Hậu Giang tách ra thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Sau hơn một năm củng cố và xây dựng, Hội đã sắp xếp ổn định nhân sự ở văn phòng Hội, giảm bớt biên chế với phương châm tinh gọn. Năm 1993, 5 phân hội chuyên ngành tổ chức Đại hội: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu và phát triển thêm Phân hội Kiến trúc. Số lượng hội viên tăng lên 157 (có 40 hội viên chuyên ngành Trung ương). Thời kỳ này, Hội Văn nghệ Hậu Giang hoạt động không ồn ào, nhưng vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Do việc chia tách tỉnh Hậu Giang thành hai tỉnh, đồng chí Tăng Văn Lễ về tỉnh Sóc Trăng, nhà văn Nguyễn Linh quyền Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cần Thơ.

Đại hội IV, đồng chí Nguyễn Trung Vinh - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy được bầu làm Chủ tịch và các đồng chí Ủy viên thường vụ: Trần Minh Hữu, Phương Hạnh, Hà Hồng Vân.

Giữa năm 2001, Đại hội VHNT tỉnh Cần Thơ nhiệm kỳ V (2001 - 2006) được tiến hành và bầu ra Ban chấp hành mới, có 243 hội viên, trong đó có 79 hội viên chuyên ngành Trung ương. Trong nhiệm kỳ, phát triển thêm 2 tổ chức thành viên đó là Phân hội Văn nghệ dân gian vào năm 2003 và Phân hội Điện ảnh cuối năm 2007; kết nạp 100 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 300, trong đó có 90 hội viên trung ương (chiếm 1/3 tổng số hội viên từ ngày thành lập của các nhiệm kì trước) sau khi đã chuyển giao 40 hội viên về sinh hoạt tại Hậu Giang (do chia tách tỉnh); Cần Thơ được thành lập Chi hội Nghệ sĩ Múa, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2001; Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2003.

Nhiệm kỳ V, chặng đường đầu của thế kỷ 21, của thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (sau khi chia tách Cần Thơ và Hậu Giang), đất nước nói chung và thành phố nói riêng tiếp tục ổn định về chính trị, đạt được nhiều thành tựu kinh tế và xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, mở ra một thời kỳ mới: hội nhập và phát triển. Văn nghệ sĩ thành phố Cần Thơ với tinh thần yêu nước luôn đoàn kết xung quanh Đảng, tiếp tục hoạt động sáng tạo với tinh thần xây dựng và phát triển đất nước nói chung và VHNT nói riêng.

Ngày 14/01/2004 Hội đổi tên thành Hội VHNT thành phố Cần Thơ, do tỉnh Cần Thơ được trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương và ngày 02/5/2007 Hội VHNT thành phố được đổi tên thành Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Cần Thơ (LHCH VHNT TPCT). Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương chi cho hoạt động, từ năm 2004 Hội VHNT TPCT cũng đã nhận và sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ sáng tạo VHNT của LHCHVHNT Việt Nam hỗ trợ, đầu tư đi thực tế sáng tác, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên môn; đầu tư cho tác phẩm, tác giả, các công trình VHNT; tổ chức được nhiều hoạt động hơn so với trước, nhiều tác phẩm, ấn phẩm ra đời và có một số tác phẩm, ấn phẩm đạt giải khu vực và cả nước. Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ trực thuộc LHCH VHNT TPCT đã tổ chức, biên tập, in ấn phát hành từ 1 quý/ số đến rút ngắn thời gian 2 tháng/số; tổ chức họp mặt cộng tác viên hàng năm để chuẩn bị cho số Xuân và những số tiếp sau.

Nhiệm kỳ VI (2007 - 2012), đây là nhiệm kỳ đầu tiên thực hiện việc chuyển từ Hội VHNT thành Liên hiệp thành phố với quy mô và mức độ phát triển ngày càng lớn hơn, với 475 hội viên. Cuối năm 2011, Ủy ban nhân dân thành phố cho phép chuyển 3 phân hội chuyên ngành thành Hội (Phân hội Văn nghệ dân gian, Điện ảnh – Truyền hình và Múa).

Văn học, nghệ thuật Cần Thơ đổi mới, phát triển

Hầu hết các tác phẩm của hội viên sáng tác đã được Liên hiệp và các Hội chuyên ngành tạo điều kiện phổ biến, quảng bá đến công chúng thông qua các hình thức như: Tổ chức đều đặn Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh truyền thống hàng năm, tổ chức các đêm biểu diễn nhân ngày Thơ Việt Nam, ngày Sân khấu Việt Nam, ngày Âm nhạc Việt Nam v.v…; cung cấp một số lượng lớn các tác phẩm cho các Hội thi, Hội diễn của thành phố và các quận, huyện; đăng tải các tác phẩm trên Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ; các hoạt động triển lãm quảng bá tác phẩm liên kết khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; thu phát các tác phẩm trên sóng phát thanh truyền hình của Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ.

Nhiệm kỳ VII (2012 - 2017), tổ chức Liên hiệp Hội, các Hội chuyên ngành luôn được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu đặt ra; tổng số Ban Chấp hành các Hội chuyên ngành là 48 thành viên, phát triển thêm 90 (2012) hội viên. Nâng tổng số hội viên hiện có của Liên hiệp Hội lên 565, (trong đó có 28 hội viên tham gia từ 2 Hội trở lên). Các Phân hội đã chuyển lên tổ chức Hội nên quy mô, phương thức, tầm hoạt động có phát triển so với trước đây. Từ đó công tác nhân sự Ban chấp hành các Hội nói riêng, Liên hiệp hội nói chung cũng có nhiều thay đổi. Đội ngũ lãnh đạo được trẻ hóa, có năng lực chuyên môn, nhiệt tình trong công tác.

Đến nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022) vừa qua, các hội chuyên ngành đã quan tâm chăm bồi, phát hiện, phát triển thêm nhiều hội viên, hầu hết là lực lượng trẻ, đồng thời giới thiệu được nhiều hội viên tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn xét đề nghị phát triển hội viên chuyên ngành Trung ương. Tổng số hội viên các Hội chuyên ngành có 641 hội viên, trong đó có 235 hội viên Trung ương và 250 hội viên là đảng viên.

Để nâng cao chất lượng sáng tác và hoạt động chuyên ngành, Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành còn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng VHNT. Liên hiệp hội và các hội chuyên ngành đã tổ chức mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên ngành có nhiều lượt văn nghệ sĩ tham dự. Ngoài ra, Liên hiệp hội còn tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, lý luận phê bình VHNT do địa phương và trung ương tổ chức như: Lý luận, phê bình VHNT; nghiệp vụ báo chí; biên đạo múa phong trào, phương pháp sáng tác múa; sáng tác ca khúc…

Đến nay, Liên hiệp đã nâng tổng số Hội viên lên trên 650 Hội viên, gồm 9 chuyên ngành trực thuộc: Hội Nhà Văn, Hội Sân khấu, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Âm nhạc, Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật, Hội Mỹ thuật, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Kiến trúc sư, Hội Điện ảnh - Truyền hình. VHNT Cần Thơ bước vào giai đoạn phát triển mới, mang đậm tính chất cách mạng và hiện đại. Nhiều tác phẩm VHNT ra đời phản ánh cuộc sống mới, con người mới, khí thế hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các loại hình nghệ thuật hiện đại như điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật… cũng được chú trọng phát triển, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Đội ngũ văn nghệ sĩ Cần Thơ ngày càng lớn mạnh, năng động, sáng tạo. Các sáng tác VHNT của hội viên ngày càng được nâng cao chất lượng, thể hiện rõ sự dấn thân đầy trách nhiệm công dân, niềm đam mê nghề nghiệp. Ðặc biệt, nhiều cuộc thi thường niên của Hội nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Mỹ thuật... đã trở thành sân chơi lành mạnh, động lực cho hội viên lao động nghệ thuật. Đây là lực lượng khá hùng hậu, nhiều hội viên trẻ, triển vọng, có tư tưởng chính trị ổn định, vững vàng, hoạt động với tinh thần, trách nhiệm cao, yêu nghề, nhiệt huyết với hoạt động văn học, nghệ thuật.

Đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, thành phố hiện có 18 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; 01 “Nghệ nhân Nhân dân”, 02 “Nghệ sĩ Nhân dân” và 09 “Nghệ sĩ ưu tú”, hơn 400 đơn vị, đội, nhóm, Câu lạc bộ trong và ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, với nguồn lực hàng ngàn người có sở thích, đam mê, cống hiến. Đây là lực lượng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT thường xuyên, có chất lượng, được công chúng đón nhận và ủng hộ.

Trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, VHNT Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn hóa, VHNT yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Tiếp thu tư tưởng đó, VHNT Cần Thơ ngày càng đổi mới, phát triển toàn diện và đạt nhiều thành tích nổi bật được ghi nhận. Mỗi văn nghệ sĩ Cần Thơ là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của VHNT Cần Thơ, cùng góp phần xây dựng Cần Thơ ngày càng văn minh, hiện đại, tiến bộ.
Bài, ảnh: BCN Quyển Văn hóa Cần Thơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây