
Di sản Hán Nôm ở Cần Thơ hiện còn lưu giữ khá phong phú và đa dạng từ hình thức thể hiện đến nội dung bao gồm: sắc phong, hoành phi, liễn đối,… tại các đình, miễu, chùa, các công trình kiến trúc cổ, các nhà thờ dòng tộc; thơ phú của các nhân sĩ Cần Thơ yêu nước được lưu giữ qua thư tịch tại nhiều nguồn lưu trữ: thư viện, sưu tập cá nhân... Đây là di sản vô cùng quý báu của bao thế hệ tiền nhân ở Cần Thơ đã truyền lại cho hậu thế.
1. Di sản Hán Nôm của ba vị nhân sĩ yêu nước Cần Thơ: Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872).
“Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi, Liễu Lâm chủ nhân, người làng Long Tuyền, trước thuộc Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh, Vĩnh Long; sau thuộc tỉnh Cần Thơ (nay là làng Long Tuyền, thuộc thành phố Cần Thơ. Ngoài các bài thơ, văn tế, ông còn để lại một bản tuồng Kim Thạch kì duyên có giá trị văn chương cao, được đời truyền tụng.”. Theo Địa chí Cần Thơ (2002): Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa chẳng những nổi tiếng về tài học, mà còn xuất sắc về thơ ca, đã được giới nho sĩ đương thời phong tặng là một trong bốn con rồng ở Nam Bộ:
“Đồng Nai có bốn rồng vàng,
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là quyển tuồng Kim Thạch kỳ duyên. Kế đến là các bài văn tế: Văn tế vợ, Văn tế con gái; - Văn vợ Thổ tế chồng chệt. Những bài thơ chữ Nôm: Cây vông, Cây bần, Thợ bạc; Kinh quá Hà Âm cảm tác; Câu cá; Ngũ Tử Tư xuy tiêu; Quan Công thất thủ; Bị giam ở Vĩnh Long”…
Phan Văn Trị (1830 - 1910)
Phan Văn Trị (潘文值, 1830-1910); còn gọi là Cử Trị, là một nhà thơ Việt Nam trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt. Quá trình sáng tác của Phan Văn Trị trải qua hai giai đoạn: trước khi Pháp xâm lược và sau khi Nam Lỳ rơi vào tay giặc. Giai đoạn đầu, phần lớn là những bài thơ vịnh cảnh vật, như: Cái cối xay, Con mèo, Con rận, Con cào cào, Con cóc, Hột lúa… nhắn gửi tâm sự, hoài bão, chí hướng của mình, phê phán bọn thống trị bất tài, dốt nát, ham danh lợi… Khi đất nước rơi vào tay giặc Pháp, ông chuyển hẳn ngòi bút sang chống bọn cướp nước và đám tay sai. Ông có công đầu và nổi tiếng trong cuộc bút chiến chống Tôn Thọ Tường, người bạn thơ trước đây trong nhóm Bạch Mai thi xã, nay quay ra làm tay sai cho giặc”.
“Thơ văn ông còn lưu truyền rất nhiều, đầy tính chiến đấu, thanh cao, có khi tiết. Lòng yêu nước chan chứa trong bài phú Thất thủ Gia Định vịnh là Thất thủ Vĩnh Long. Sôi nổi nhất là bài thơ họa với Tôn Thọ Tường nhằm lên án bọn người cam tâm làm tay sai cho ngoại xâm.
Các tác phẩm chính: Gia Định thất thủ vịnh (phú); Thất thủ Vĩnh Long (thơ), Con mèo, Con cào cào, Cái cối xay, Hột lúa, Ông táo, Thợ may, Ông Quán nước… Và 10 bài tự thuật bút chiến với Tôn Thọ Tường…”.
Lê Quang Chiểu (1853 - 1924)
Lê Quang Chiểu (1852 - 1924) là một nhà thơ cận đại Việt Nam. Ông là soạn giả bộ sách “Quốc âm thi hợp tuyển” được các nhà nghiên cứu văn học xác định là tập thơ chữ Quốc ngữ in đầu tiên ở Việt Nam.
Trong thời gian làm Cai Tổng, ông đã tham gia làm 10 bài họa thơ tự thuật của Tôn Thọ Tường, góp phần với Phan văn Trị vạch mặt, lên án tên phản nước, hại dân. Năm 1903, ông cho xuất bản tập “Quốc âm thi hiệp tuyển” gồm nhiều thơ của các sĩ phu yêu nước ở Nam Kỳ, trong đó có thơ ông, do ông dịch và in bằng chữ quốc ngữ. Có lẽ đây là tác phẩm viết bằng chữ Quốc ngữ La tinh đầu tiên ở Cần Thơ được xuất bản và cũng là một trong những tác phẩm ra đời sớm nhất ở Nam Bộ vào đầu thế kỉ 20.
2. Di sản Hán Nôm tại các chùa - miếu ở Cần Thơ
Chùa Nam Nhã
Chùa Nam Nhã (tên chữ Hán 南雅佛堂 – Nam Nhã Phật Đường). Cổng chùa xây bằng gạch, lợp ngói. Ở hai cột có đôi câu đối, mà hai chữ đầu của mỗi câu ghép lại thành tên chùa:
Nguyên văn:
南地度原人般若琴聲通覺路
雅庭招善客菩提樹影蓋禪門
Phiên âm Hán-Việt:
Nam địa độ nguyên nhân, bát nhã cầm thinh thông giác lộ,
Nhã đình chiêu thiện khách, bồ đề thụ ảnh cái thiền môn.
Dịch:
Nam địa độ nguyên nhân, tiếng đàn Bát Nhã thông cõi giác,
Nhã đình mời thiện khách, bóng mát Bồ Đề phủ cửa thiền.
Chùa Long Quang
Chùa Long Quang (Long Quang Cổ Tự 隆光古寺).
Cổng tam quan xây bằng gạch với hai tầng mái ngói, 3 cửa ra vào, cửa chính ở giữa có diện tích lớn nhất hai bên cửa phụ có diện tích nhỏ hơn, các cửa ra vào đều làm cánh cổng sắt. Trên cổng lớn chính giữa có dòng chữ Long Quang cổ tự, cổng nhỏ bên tay trái (nhìn từ ngoài vào) có 2 chữ Từ Bi; cổng nhỏ bên tay phải có 2 chữ Trí Tuệ.
Hai bên cột cửa chính có khắc câu đối bằng chữ Hán chạy dọc thân cột
Phiên âm:
“Long đức phổ thập phương, Phật đạo hoằng thâm chánh giáo
Quang minh chiếu tam giới, thiền lâm quãng nhuận chân truyền”
Dịch nghĩa:
“Đức thịnh chiếu mười phương, đạo Phật tỏa sâu chính pháp
Ánh hồng soi ba cõi, rừng thiền nhã lỗi chân truyền”
Hai tầng mái ngói lợp ngói mũi hài, đầu đao uốn công có gắn hoa văn. Bên trên nóc mái tầng hai có gắn đôi rồng trắng ngẩng cao đầu quay ngược vào bánh xe pháp luân ở giữa.Bên trên ban thờ có bức hoành phi bằng gỗ, được làm theo kiểu cuốn thư, chạm trổ tinh xảo, ở giữa có hàng chữ Hán: Đại hùng bảo điện.
Chùa Hội Linh
Bao bọc ngôi chùa là dãy tường rào tạo hình cánh cung, có ba cái cổng (một chính và hai phụ). Cổng chính vươn ra phía trước, có 2 lớp mái, và trên nóc có gắn “lưỡng long tranh châu” bằng đất nung màu xanh. Trên nóc các cổng đều được lợp mái ngói âm dương màu xanh, và đều có đôi câu đối bằng chữ Hán đắp nổi. Điện thờ chính có 3 gian nhỏ, bên trong tôn trí nhiều tượng Phật theo các cấp bậc rất uy nghi. Tại 3 gian thờ, có treo 3 bức hoành phi khắc bằng chữ Hán ở giữa là "Hội Linh Tự", bên trái "Tam vô tư địa", bên phải "Thưởng thiện phạt ác".
Trên mái ngói cổng chính được điểm tô hình lưỡng long tranh châu, một loại hình trang trí rất thường gặp ở chùa, đình Nam Bộ. Hai bên cổng chính đôi câu đối bằng chữ Hán:
“Hội thượng diên chân chùa tiếp dân thập phương quy giác lộ
Linh sơn khai nhãn tạng đề huế tứ chúng xuất mê tân”
Hai câu có nghĩa: Chùa là nơi hội tụ mọi người không phân biệt người sang hèn ai cũng có quyền đến để nghe phật pháp, được hướng dẫn lời Phật dạy, dạy bảo con người vào con đường hiền lành, hạnh phúc sáng sủa.
Quảng Triệu Hội Quán (Chùa Ông Cần Thơ)
Quảng Triệu Hội Quán (廣肇會館), thường được gọi là Chùa Ông. Tên gọi khác là chùa Minh Hương. Bước qua khoảng sân hẹp, là tiền điện. Ở giữa gian có đặt một bức bình phong chạm trổ. Trên hai cửa ra vào có bảng đại tự "Quảng Triệu Hội Quán". Tiếp nối tiền điện là sân thiên tỉnh. Đây là một đặc điểm tiêu biểu của chùa Hoa. Tùy theo từng chùa mà có lợp mái hay không, riêng ở đây có lợp mái bằng ngói âm dương. Trên vòm mái treo một báo ghi môn và bảng đại tự "Hiệp Lực Đồng" (協力同).
Chùa Hiệp Thiên Cung (Chùa Ông Cái Răng)
Hiệp Thiên Cung có kiến trúc hình chữ “Quốc” với 4 dãy nhà khép kín vuông góc nhau, ở giữa là khoảng không gian trống được gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời) mang đậm dấu ấn kiến trúc chùa miếu Trung Hoa. Hệ thống hoành phi, liễn đối trong Hiệp Thiên Cung cũng rất độc đáo, với nội dung mong ước về một cuộc sống thạnh vượng, sung túc; ca ngợi công đức của các vị Thần, Thánh. Tiêu biểu như: “Nghĩa Bỉnh Càn Khôn”, “Khí Tráng Sơn Hà”, “Thiên Cổ Nhất Nhân”… được chạm khắc rất tinh xảo, mang đậm nét văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Hoa.
Cảm Thiên Đại Đế Miếu (Chùa Ông Ô Môn)
Tên đầy đủ Cảm Thiên Đại Đế 感天大帝廟. Theo các nguồn tài liệu còn lưu lại trên các kiến trúc của Chùa như trên các bức hoành phi, liễn đối và các lời kể của các vị cao niên ở địa phương thì Chùa được xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chùa được xây dựng theo hình chữ Quốc (國).
Linh Sơn Cổ Miếu
Linh Sơn Cổ Miếu được xây dựng theo lối kiến trúc hình chữ Quốc (國). Ngôi miếu được bao bọc xung quanh bằng tường rào song sắt, mặt chính hướng ra rạch Bằng Tăng. Hai bên cửa là đôi liễn đối ca ngợi bậc thánh nhân được thờ tại Miếu:
“Thiên thu nghĩa dũng vô song sĩ
Vạn cổ tinh trung đệ nhất nhơn”
3. Di sản Hán Nôm qua sắc phong các đình ở Cần Thơ
Sắc phong (敕封) hay còn gọi là Sách phong (册封), là loại văn bản hành chánh được viết bằng chữ Nho (chữ Hán cổ), là một loại hình văn bản hành chánh do vua chúa phong thưởng cho thần dân hoặc bách thần.
Sắc phong còn gọi là đạo sắc phong là loại văn bản hành chánh được viết bằng chữ Nho (chữ Hán cổ), cùng là một loại văn bản pháp qui chính thống của nhà nước phong kiến như Chiếu, Hịch, Cáo, Báo thị, Lệnh…Có hai loại sắc phong: sắc phong chức tước và sắc phong thần.
Sắc phong hiện đang được lưu giữ trong các đình làng Cần Thơ đều là các sắc phong của triều Nguyễn. Đạo sắc phong lâu đời nhất là các đạo sắc phong được ban vào năm Tự Đức thứ 5 (1853) cho các đình: Thường Thạnh, Thới Bình, Tân An, Bình Thủy, Thới An, Phú Luông, Thuận Hưng, Tân Lộc Đông, Thới Thuận, Thạnh Hòa, Vĩnh Trinh, Giai Xuân, Nhơn Ái. Đạo sắc muộn nhất là đạo sắc phong năm Bảo Đại thứ 19 (1944), ban cho đình Tân Lộc Tây.
Sắc phong đình Thường Thạnh
Đình Thường Thạnh tên thường gọi là Đình Nước Vận, tọa lạc ở số 8, khu vực Thạnh Huề, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Đình được khởi dựng vào năm 1823, thời vua Minh Mạng. Đến năm Tự Đức ngũ niên đình Thường Thạnh được ban sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng. Sắc ban ngày 29 tháng 11 năm Mậu Tí (nhằm ngày 08 tháng Giêng năm 1853).
Sắc phong đình Thới Bình
Đình Thới Bình tọa lạc tại Số 21 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Đình được tạo dựng vào khoảng đầu thế kỉ XIX. Đến năm Tự Đức ngũ niên đình Thới Bình được ban sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng. Sắc ban ngày 29 tháng 11 năm Mậu Tí (nhằm ngày 08 tháng Giêng năm 1853).
Sắc phong đình Tân An
Đình Tân An tọa lạc trên đường Lê Lợi (Vòng xoay công viên nước), phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Đình được dựng vào khoảng nửa cuối thế kỉ XIX. Năm 1946, đình bị cháy. Sắc thần gởi thờ ở đình Thới Bình. Năm 2015, đình được tạo lập lại kiên cố gồm các hạng mục: Cổng tam quan, hàng rào, sân, chính điện, nhà soạn lễ. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên. Sắc ban ngày 29 tháng 11 năm Mậu Tí (nhằm ngày 08 tháng Giêng năm 1853).
Sắc phong đình Bình Thủy
Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ Miếu tọa lạc trên đường Lê Hồng Phong, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Đình Bình Thủy được dựng vào năm 1844. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên. Sắc ban ngày 29 tháng 11 năm Mậu Tí (nhằm ngày 08 tháng Giêng năm 1853).
Sắc phong đình Thới An
Đình Thới An tọa lạc tại khu vực Thới Trinh A, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Đình được dựng năm 1832, ban đầu bằng tre lá, thờ các vị thần linh. Từ khi có sắc phong, dân làng đã xây dựng ngôi đình mới khang trang cách ngôi đình cũ 1km. Đó chính là Đình Thần Thới An ngày nay. Đình được tu bổ chính điện năm 2017; vỏ ca, bờ kè năm 2019. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
Sắc phong đình Phú Luông
Đình Phú Luông tọa lạc tại khu vực Phú Luông, phường Long Hưng, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Đình Phú Luông được khởi lập vào khoảng thế kỷ XIX, tôn tạo vào năm 1936. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
Sắc phong đình Thuận Hưng
Đình Thuận Hưng tọa lạc tại khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đình được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Ban đầu xây dựng dưới dạng ngôi miếu nhỏ bằng cây, lá, có tên là “Tòa Miếu Võ”, tại làng Tân Thuận Đông, thờ “Bổn Cảnh Sơn Hà”, sau đó được dân làng tu bổ dần trở thành ngôi đình.
Năm 1935, làng Tân Hưng và làng Tân Thuận Đông sáp nhập thành làng Thuận Hưng, đình Tân Hưng cũng được dời về sáp nhập với đình Tân Thuận Đông, lấy tên là đình Thuận Hưng. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853) cấp cho đình thôn Tân Thuận Đông.
Sắc phong đình Thạnh Hòa
Đình Thạnh Hòa tọa lạc tại khu vực Long Thạnh A, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đình được tạo lập vào khoảng giữa thế kỉ XIX, khi làng Thạnh Hòa Trung được thành lập nên có tên gọi là đình Thạnh Hòa Trung. Năm 1902, đình dời về vàm chợ Thốt Nốt, cách vị trí cũ khoảng 1 km. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi, từ năm 2009 đến nay, Ban Tế tự đình thống nhất gọi là đình Thạnh Hòa. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853) cho đình Thạnh Hòa Trung.
Sắc phong đình Thới Thuận
Đình Thới Thuận tọa lạc tại khu vực Thới Thạnh 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt. Đình được khởi dựng vào đầu thế kỉ XIX, thời vua Gia Long, tại vàm rạch Chanh. Đến đầu thế kỷ XX, đình được dời về vàm rạch Bò Ót, tại vị trí như hiện nay. Đình Thới Thuận đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1963, 1972, 2012… Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
Sắc phong đình Tân Lộc Đông
Đình Tân Lộc Đông tọa lạc tại khu vực Tân Mỹ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Ban đầu Đình được xây dựng bằng tre lá đơn sơ trên cù lao Cát (nay là phường Tân Lộc) để thờ cúng thần linh. Đến đầu thế kỉ XX, đình được dời về vị trí hiện nay. Năm 1922, đình được tôn tạo bằng vật liệu kiên cố, hoàn thành vào năm 1925. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
Sắc phong đình Tân Lộc Tây
Đình Tân Lộc Tây tọa lạc tại khu vực Trường Thọ, phường Tân Lộc, uận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Đình được dựng từ năm 1925. Đình nhận sắc phong thần cho Thành Hoàng là Khai quốc công thần Châu Văn Tiếp với phẩm trật Thượng đẳng thần vào năm Bảo Đại thứ 19 (1944).
Sắc phong đình Vĩnh Trinh
Đình Vĩnh Trinh tọa lạc tại ấp Vĩnh Long, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Đình được tạo lập vào những năm đầu thế kỉ XIX. Đầu thế kỉ XX, đình được dời về vị trí hiện nay. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
Sắc phong đình Mỹ Khánh
Đình Mỹ Khánh tọa lạc tại ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Không rõ năm khởi lập đình. Chỉ biết, đình phải có trước năm 1917 – là năm được sắc phong Bổn cảnh Thành Hoàng của vua Khải Định: Khải Định nhị niên (1917).
Sắc phong đình Giai Xuân
Đình Giai Xuân tọa lạc tại ấp An Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đình được tạo dựng vào đầu thế kỷ XIX, lúc bấy giờ đình có tên gọi là Đình thần cổ miếu Thới Giai nằm bên kia Vàm Rạch Ngã Cái. Khoảng giữa thế kỷ XIX, đình đổi tên thành Đình thần Giai Xuân. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
Sắc phong đình Nhơn Ái
Đình Nhơn Ái tọa lạc tại ấp Thị Tứ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Đình được tạo lập từ năm 1850. Hậu Hiền Nguyễn Thừa Võng đặt tên là làng Nhơn Ái. Đình làng có tên gọi là đình Nhơn Ái. Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm Tự Đức ngũ niên (1853).
4. Di sản Hán Nôm tại các công trình kiến trúc cổ ở Cần Thơ
Nhà cổ Trần Bá Thế Cù lao Tân Lộc
Nhà cổ Trần Bá Thế tọa lạc ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt, Cần Thơ đã có hàng trăm năm tuổi những vẫn giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp kiến trúc lâu đời của vùng sông nước Cửu Long. Những liễn đối, khánh thờ, tranh thờ... đều được trang trí tỉ mỉ tại bàn thờ gia tiên đã tôn lên được vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính nơi thờ tự. Đặc biệt, gian thờ gia tiên, phụ mẫu, người thân với 5 tủ thờ gỗ chạm được cẩn ốc xà cừ khá công phu cùng những liễn đối, tranh thờ, khánh thờ… toát lên hồn dân tộc với vẻ cổ kính, uy nghiêm. Đối diện với gian thờ, trên bức tường phòng khách treo bảng “tông chi” 10 đời của bên nội và bên ngoại như lời nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, tiên tổ.
Du khách còn gặp nhiều tủ cẩn xà cừ, liễn, hoành phi chạm khắc những hình ảnh rất tinh xảo từ con người đến cây cảnh và những tích cổ. Có hai bài thơ chữ Hán trích trong khúc “Thanh bình điệu” của “lưu linh thánh thơ” Lý Bạch được chạm khảm với nét chữ rất tài hoa, phong nhã.
Nhà cổ Thuận Hưng
Ngôi nhà cổ tọa lạc ở số 52, Tân Phú, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; chủ nhân là ông Nguyễn Phùng Sanh, thường gọi là bác Mười Giai.
Nhà có 4 hàng cột. Mỗi hàng có 6 cột. Tất cả các cột đều có đế kê chân bằng đá. Các đầu kèo phía ngoài được chạm khắc hình đầu chim phụng. Trong nhà, 6 cặp liễn đối chữ Hán cẩn ốc xà cừ trên nền đen của gỗ căm xe, có nội dung dạy dỗ con cháu. Ngôi nhà tuy mang màu gỗ đơn giản nhưng nội thất trông uy nghi sang trọng của một thời kỳ hưng thịnh. Đặc biệt nhất của phòng khách là bộ thập bát ban võ nghệ gồm những binh khí thể hiện uy thế của người xưa. Phía trên phòng khách, ngay chính giữa nhà có một khánh thờ có cán cầm tay ở hai đầu như một chiếc kiệu nhỏ là nơi cất giữ sắc thần của đình Thuận Hưng.
Ngôi nhà này do ông Nguyễn Văn Hổ (ông nội của ông Nguyễn Phùng Sanh) xây dựng vào năm 1925. Điểm nổi bật trong trang trí nội thất phải kể đến những cặp liễn đối được chủ nhà treo trên các cột… có tất cả 6 cặp liễn đối gồm 4 cặp treo ốp cột, nền đen, chữ Hán khắc chìm nhũ vàng và 2 cặp liễn màu đen, nâu – các chữ Hán trên 2 liễn này được cẩn ốc xà cừ.
Nhà cổ ông Huyện Cang
Ngôi nhà do ông Trần Như Cang xây dựng từ năm 1902. Trên các cột được trang trí 4 liễn gỗ hình máng, nền đen, chữ Hán chạm chìm sơn nhũ vàng; 2 liên đối giữ dài, 2 liên đối hai bên ngắn…Bước qua vách ngăn chính là không gian thờ tự. Nơi đây chia 3 gian rõ rệt, được phân định bởi 3 bao lam, 3 hoành phi… sơn son thiếp vàng, chạm khắc công phu, đa dạng.
Di sản Hán Nôm là di sản văn hóa tinh thần thể hiện hồn cốt của cư dân một vùng lãnh thổ. Di sản Hán Nôm chỉ thật sự phát huy giá trị khi được tổ chức khai thác sử dụng để phục vụ các mặt hoạt động khác nhau của đời sống xã hội. Di sản Hán Nôm là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại, là tư liệu quan trọng giúp cho thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản Hán Nôm đang dần bị thất thoát, hư hỏng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp phù hợp, kịp thời để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm tại Cần Thơ.
BCN Quyển Văn hóa Cần Thơ
* Trích từ báo cáo khoa học số 41: Di sản Hán Nôm Cần Thơ, của TS Đoàn Hồng Nguyên.