Trân trọng và lan tỏa giá trị đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc

Thứ tư - 23/07/2025 21:33 16 0
Suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với tinh thần yêu nước nồng nàn, khát vọng cháy bỏng độc lập, tự chủ, nhân dân ta đã đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, sự thống nhất, toàn vẹn của Tổ quốc.
 
Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hằng năm là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân và kiều bào ta tưởng nhớ, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh... những người đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.

1. Đã không còn xuất hiện nhiều nhận thức sai lệch, cách hiểu không đúng về bản chất của Ngày Thương binh-Liệt sĩ, về những người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, hy sinh xương máu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, vì hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Trên bất cứ phương diện nào, sự hy sinh vĩ đại của các anh hùng liệt sĩ, của các thương binh, bệnh binh là không thể phủ nhận, không thể đánh đồng với bất cứ luận điệu xuyên tạc nào về các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là những nhận thức không đúng, lệch lạc không còn.

Biểu hiện rõ nhất là sự xuyên tạc bản chất, ý nghĩa của Ngày Thương binh-Liệt sĩ, xuyên tạc sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ; là luận điệu cho rằng do cảnh “nồi da nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”; là suy nghĩ thiển cận, biểu hiện sự vô ơn, phủ nhận các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; là so bì, tị nạnh, nhận thức không đúng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công; là “đánh tráo khái niệm”, đồng nhất nghĩa vụ thiêng liêng, sự hy sinh cao cả của lực lượng cách mạng với những kẻ phản cách mạng, theo thực dân, đế quốc; là cố tình xuyên tạc rằng “Đảng, Nhà nước ta không quan tâm đến người có công với cách mạng”. Thậm chí có những kẻ đã xúc phạm sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ...

Có nhiều lý do để giải thích cho những nhận thức không đúng ấy, nhưng tựu trung lại, những người đó đã không có đủ thông tin, không được tiếp cận những thông tin chính thống về các cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta và không loại trừ có những người cố tình không hiểu; cố tình xuyên tạc bản chất của các cuộc chiến đấu ấy vì những lợi ích cá nhân, mưu đồ vị kỷ.
 
z6835036399834 f7c2b4039ce3f6ac9300bb9e81add3cb
Tỉnh Quảng Trị tổ chức Lễ truy điệu và an táng 12 hài cốt liệt sĩ, ngày 23-7-2025.                          Ảnh: qdnd.vn
2. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu và đã chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đức hy sinh vì Tổ quốc luôn được hun đúc, nuôi dưỡng và phát huy, trở thành truyền thống văn hóa, nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc ta. Tiếp nối truyền thống quý báu đó, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân; dưới sự lãnh đạo của Đảng, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã dũng cảm chiến đấu, anh dũng hy sinh, hiến dâng máu xương của mình cho đất nước.

Họ là những người đã để lại gia đình, người thân, từ bỏ ước mơ, hoài bão cá nhân để cầm súng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh cao cả ấy không thể đo đếm và chính nhờ những hy sinh ấy, thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình, tự do. Trong "Thư gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” (ngày 17-7-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”(1). Đối với liệt sĩ, Bác nhắn nhủ: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ...”.(2)

Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp từ nghìn đời của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Mỗi người dân nước Việt luôn cảm thấy tự hào và biết ơn những giá trị quý báu mà các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh đã dâng hiến, hy sinh cho dân tộc.

Chúng ta luôn khắc ghi trong tim rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đều phải đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống. Đến nay vẫn còn gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, để lại cho người thân, gia đình niềm tiếc thương và sự mong chờ được đón các anh chị trở về; gần 300.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được danh tính; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân. Ngay trong thời khắc không còn tiếng súng, vẫn có không ít người đã hy sinh thầm lặng nơi biên cương, đảo xa hay trên những nhà giàn, bãi đá giữa trùng khơi... để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân. Lịch sử và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của thế hệ cha anh với những “thiên anh hùng ca” bất diệt để giành lại hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho non sông, đất nước.

3. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán trong tư tưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách với người có công. Nhiều chương trình, hành động thiết thực như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, Quỹ nghĩa tình đồng đội, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào, hoạt động tự nguyện, tự tâm trong các tầng lớp nhân dân. Cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, người có công ngày càng được nâng lên. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn và Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” ngày càng được lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ, được cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng, trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chỉ tính trong hơn 10 năm (từ 2013 đến 2024), cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng hỗ trợ gia đình người có công; xây mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 12.700 tỷ đồng; trao hơn 110.000 sổ tiết kiệm tặng gia đình chính sách với số tiền hơn 403 tỷ đồng. Hiện nay, cả nước còn hơn 2.400 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của các gia đình, đến nay, trên 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng. Công tác xem xét, giải quyết những tồn đọng trong việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng được chú trọng và đạt nhiều kết quả.

Cùng với đó, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, trang bị dụng cụ chỉnh hình, hỗ trợ cải thiện nhà ở, miễn giảm tiền sử dụng đất ở, hỗ trợ đất ở và thực hiện chính sách ưu đãi về giáo dục-đào tạo đối với con em họ. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng, bằng ý chí tự lực, tự cường, các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, gia đình người có công với cách mạng luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh, làm ăn có hiệu quả, trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển đất nước.
Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ cần tiếp tục khẳng định ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội và giá trị nhân văn của đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"; nhấn mạnh truyền thống tốt đẹp, lòng biết ơn của toàn xã hội đối với các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; khẳng định và tôn vinh sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước là vô giá; việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, người có công là vinh dự, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, của thế hệ hôm nay và mai sau. Đảng, Nhà nước ta luôn trân trọng những cống hiến, sự hy sinh to lớn của đồng bào, chiến sĩ đối với Tổ quốc; đồng thời luôn tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công, huy động mọi nguồn lực xã hội để công tác này ngày càng được thực hiện tốt nhất.
Thượng tá, TS ĐỖ NGỌC HANH
Phó chủ nhiệm Khoa Triết học Mác - Lênin, Trường Sĩ quan Chính trị
(ST theo qdnd.vn)
------------
 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.204
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, sđd, tr.401
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây