Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, huy động nguồn lực to lớn của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Thứ hai - 07/07/2025 23:22 11 0
W 9 kk nguyen tuan anh 120 cong truong tren cao (1)

Thi công đường dây 500 KV mạch 3 (ảnh: Nguyễn Tuấn Anh)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Quá trình hình thành và phát triển phong trào thi đua “Dân vận khéo”

Đặc biệt, trong những năm gần đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần huy động nguồn lực to lớn của nhân dân, nhất là trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; giải phóng mặt bằng, thực hiện công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải; công tác cứu nạn, cứu hộ và ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, bão, lũ gây ra, nổi bật như: 1- Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần thúc đẩy Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đạt được nhiều kết quả tích cực, bám sát mục tiêu, gắn với thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống và phát triển bền vững. “Theo Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 20-10-2024, cả nước có 6.320/8.162 xã đã được chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2.182 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Về cấp huyện, có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước), trong đó đã có 11 huyện (5%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Về cấp tỉnh, có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”(2); 2- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đem lại hiệu quả rất tích cực trong phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia vào dự án trọng điểm quốc gia, như Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đến Phố Nối, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên hoàn thành với “kỳ tích” chỉ trong 7 tháng, góp phần giảm bớt nguy cơ quá tải cho đường dây và trạm 500kV hiện hữu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Có được thành công này là nhờ sự điều hành quyết liệt, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự nỗ lực, quyết tâm của nhiều ngành, đơn vị có liên quan; trong đó, điều quan trọng nhất là sự chung sức, đồng lòng của người dân trong quá trình triển khai thực hiện dự án; thông qua công tác “Dân vận khéo” đã đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Nhiều dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông cũng được đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành vượt tiến độ, đưa vào sử dụng hiệu quả, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững, nhờ phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, như dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Bắc - Nam (đoạn Mai Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Phan Thiết), dự án Sân bay Long Thành và nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên,...; 3- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đóng góp hiệu quả thiết thực trong việc vận động, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Chỉ trong 9 tháng nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao nhất đã hoàn thành xóa 5.000 căn nhà tạm, nhà dột nát cho người dân các địa phương nêu trên. Tháng 10-2024, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước 5 năm so với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Ngay sau khi phát động, phong trào được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, đồng bào trong và ngoài nước tích cực hưởng ứng và tham gia với nhiều hình thức hỗ trợ, vận động. Đến nay, nhiều ngôi nhà mới đáp ứng tiêu chuẩn 3 cứng: “Nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng” đã hoàn thành, mang lại giá trị thiết thực cho người nghèo. Đây là một minh chứng cho sự lan tỏa giá trị, hiệu quả của việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” hướng về cơ sở, hướng về nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, phong trào thi đua “Dân vận khéo” vẫn còn một số hạn chế, như chưa thực sự lan tỏa rộng khắp và đi sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội; điển hình “Dân vận khéo” trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị sản xuất, kinh doanh, trong lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị còn chưa phong phú. Một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, trong đó có cả người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; công tác phối hợp, kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số nơi chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, nên việc thực hiện phong trào chưa đi vào thực chất. Việc nhân rộng, lan tỏa mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phục vụ dự án phát triển kinh tế - xã hội có nơi chưa được quan tâm đúng mức, nên hiệu quả chưa cao.
 
vna potal doan vien thanh nien lao cai
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long (xã Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) tuyên truyền cho đồng bào về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc_Ảnh: TTXVN
 
Đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, cùng sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay và tiếp theo, để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy sức mạnh và khát vọng của nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh, nhân rộng và đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong kỷ nguyên mới, cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, đặc biệt là nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận “khéo” trong tình hình mới. Thường xuyên quán triệt, tuyên truyền sâu rộng chủ trương, nghị quyết của Trung ương, địa phương về công tác dân vận, trọng tâm là các nghị quyết của Trung ương(3); qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xác định “Dân vận khéo” là phương thức quan trọng trong công tác vận động quần chúng, là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, gắn với hiện đại hóa nền hành chính, nhất là thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26-11-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; tiếp tục nâng cao đạo đức công vụ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại và chỉ đạo giải quyết kịp thời đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Quan tâm tạo điều kiện để xây dựng, nhân rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở trong việc xây dựng mô hình; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động, gắn với xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trong tập hợp, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; giải quyết và kịp thời tháo gỡ “điểm nóng” phức tạp, vấn đề khó khăn, còn vướng mắc ngay từ cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Phát huy rõ nét vai trò giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Bốn là, phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Việc triển khai thực hiện phong trào phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động khác. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua theo từng năm và từng giai đoạn để chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc của cấp ủy, tổ chức thực hiện của chính quyền; công tác tham mưu, hướng dẫn của hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện phong trào thi đua ở các cấp, các ngành.

Năm là, duy trì, nhân rộng và phát huy mô hình “Dân vận khéo” đang triển khai thực hiện hiệu quả, thực chất; đồng thời, chú trọng xây dựng, phát triển mô hình, điển hình theo hướng tập trung vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi số... Tăng cường tuyên truyền về cách làm hay, đổi mới sáng tạo và hiệu quả của mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bằng hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện truyền thông để tăng hiệu quả tuyên truyền, lan tỏa mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu; qua đó, khích lệ, động viên sự tham gia tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện và xét chọn tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” để biểu dương, tôn vinh hằng năm. Tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tổ chức tọa đàm, hội thi “Dân vận khéo” để nhân rộng, lan tỏa mô hình, điển hình có cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện công tác dân vận. Chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở.

Qua hơn 15 năm phát động và thực hiện trên cả nước, có thể khẳng định, phong trào thi đua “Dân vận khéo” là chủ trương đúng đắn, thiết thực, hợp lòng dân; đồng thời, là phương thức quan trọng trong công tác vận động quần chúng đồng lòng thực hiện hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước quan trọng, góp phần huy động nguồn lực to lớn của nhân dân để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc ./.
-----------------
(1) Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(2) Nguyễn Mai: “Cả nước có 77,4% xã đạt chuẩn nông thôn mới”, Báo điện tử Hà Nội mới, ngày 23-10-2024, https://hanoimoi.vn/ca-nuoc-co-77-4-xa-dat-chuan-nong-thon-moi-682280.html
(3) Như: Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Kết luận số 43-KL/TW, ngày 7-1-2019, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới””; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30-7-2021, của Bộ Chính trị, “Về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, Hội nghị Trung ương 8  khóa XIII, “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”
Theo tapchicongsan.org.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây